12 sự thật kỳ lạ và thú vị về vũ trụ: Bạn đã biết bao nhiêu trong số đó?
Vào ban đêm khi nhìn lên bầu trời sao, bạn thường suy nghĩ về điều gì? Liệu chúng ta có thực sự cô đơn trong vũ trụ này? Rốt cuộc biên giới của vũ trụ nằm ở đâu?
Sự thật là khoảng không gian mênh mông bên ngoài hành tinh của chúng ta ẩn chứa rất nhiều bí mật mà khoa học chưa thể biết. Nhưng ngược lại, cũng có một số bất ngờ thú vị mà sau hàng ngàn năm nghiên cứu thiên văn, con người đã sử dụng trí tuệ của mình để quan sát, suy luận và đúc kết được.
Đâu là những điều bất ngờ nhất mà bạn có thể tự nhủ mình khi nhìn lên bầu trời đêm?
1. Sao neutron có thể quay với tốc độ 600 vòng/giây
Khi một ngôi sao đi đến giai đoạn sao neutron, nó đã đạt tới một trong những điểm cuối cùng của hành tình tiến hóa. Những ngôi sao có khối lượng lớn này được sinh ra trong vụ nổ sao siêu tân tinh, nhưng chúng đã tự sụp đổ vào lõi của mình bởi một lực hấp dẫn hướng tâm, sau đó quay tròn cực kỳ nhanh như một hệ quả vật lý của quá trình ấy.
Thông thường, những ngôi sao neutron có thể quay tối đa 60 vòng mỗi giây sau khi được sinh ra. Nhưng trong một trường hợp đặc biệt, tốc độ này có thể tăng lên tới hơn 600 vòng/giây.
2. Không gian vũ trụ hoàn toàn tĩnh lặng
Sóng âm để có thể đi đến tai và dội vào màng nhĩ của bạn, nó cần một môi trường để lan truyền. Nhưng vì trong không gian chân không của vũ trụ không hề có không khí, ở ngoài đó luôn có một sự im ắng kỳ lạ đến đáng sợ.
Ngược lại, trên Trái Đất có khí quyển và áp suất không khí cho phép âm thanh truyền đi được. Điều đó giải thích tại sao dưới mặt đất lại có nhiều tiếng ồn đến vậy.
3. Số lượng sao trong vũ trụ là một con số không đếm được
Về cơ bản, chúng ta không biết có chính xác bao nhiêu ngôi sao trong vũ trụ. Nhưng các nhà khoa học có thể sử dụng ước tính để trả lời câu hỏi: Có bao nhiêu ngôi sao trong thiên hà của chúng ta, Milky Way? Sau đó, họ nhân con số đó với dự đoán tốt nhất về số lượng thiên hà trong vũ trụ.
Sau tất cả những phép toán đó, NASA chỉ có thể tự tin nói rằng số lượng ngôi sao trong vũ trụ này nhiều vô kể, nhiều đến nỗi không thể đếm được.
Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc đưa ra ước tính trong vũ trụ có 70.000 triệu triệu triệu ngôi sao.
4. Dấu chân mà các phi hành gia trong sứ mệnh Apollo để lại trên Mặt Trăng có lẽ sẽ tồn tại ít nhất 100 triệu năm nữa.
Mặt Trăng không có bầu khí quyển, không có gió hay nước để cuốn trôi hay xóa mờ dấu ấn của các phi hành gia Apollo. Điều đó có nghĩa là dấu chân, vết bánh xe rover, những vết tích mà tàu vũ trụ của con người để lại sẽ được lưu giữ trên mặt trăng trong một thời gian rất dài.
Điều duy nhất có thể xóa mờ các dấu vết này là sự lắng đọng của bụi vũ trụ bị hút lên bề mặt Mặt Trăng. Đó là các “thiên thạch micromet” liên tục tấn công Mặt Trăng, nhưng quá trình này sẽ diễn ra rất rất chậm.
5. Mặt Trời chiếm tới 99% khối lượng của Hệ Mặt Trời
Ngôi sao của chúng ta, Mặt Trời, dày đặc đến nỗi nó chiếm tới 99% khối lượng của toàn bộ Hệ Mặt Trời. Khối lượng là thứ cho phép Mặt Trời thống trị tất cả các hành tinh, hút chúng quay quanh mình.
Về mặt kỹ thuật, Mặt Trời của chúng ta là một ngôi sao loại G trong dãy chính (G-type main-sequence star), có nghĩa là mỗi giây, nó sẽ hợp nhất khoảng 600 triệu tấn hydro với helium. Nó cũng chuyển đổi khoảng 4 triệu tấn vật chất thành năng lượng như một sản phẩm phụ.
Khi Mặt Trời chết, nó sẽ trở thành một sao khổng lồ đỏ, phình ra và nuốt trọn lấy Trái Đất cùng mọi thứ trên đó. Nhưng đừng lo lắng: Điều đó sẽ chưa thể xảy ra trong vòng 5 tỷ năm nữa.
6. Tổng năng lượng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất mỗi giờ nhiều hơn tổng năng lượng cả hành tinh sử dụng trong cả năm
Trong một thế kỷ rưỡi trở lại đây, con người đang ngày càng khai thác được nhiều năng lượng Mặt Trời hơn để phục vụ cuộc sống của mình. Theo Tạp chí Môi trường Yale 360 độ, năm 2017, cả thế giới đã tăng thêm 30% công suất năng lượng Mặt Trời, tương đương với 98,9 gigawatt năng lượng Mặt Trời đã được sản xuất.
Mặc dù vậy, lượng điện này chỉ mới bằng 0,7% lượng điện sử dụng hàng năm của cả thế giới.
7. Nếu hai mảnh kim loại cùng nguyên tố chạm vào nhau trong không gian, chúng sẽ tự liên kết và dính chặt lấy nhau mãi mãi
Hiệu ứng tuyệt vời này được gọi là hàn lạnh. Nó xảy ra bởi vì các nguyên tử ở hai rìa của hai mảnh kim loại nguyên chất (không pha tạp) không còn phân biệt được nơi chúng thuộc về. Do đó, các nguyên tử này tự động liên kết với các nguyên tử bên cạnh, thuộc về mảnh kim loại bên cạnh khiến chúng gắn chặt vào với nhau.
Điều thú vị là hàn lạnh không bao giờ xảy ra trong điều kiện khí quyển Trái Đất, vì ở đó luôn có các phân tử nước và không khí ngăn cách giữa hai mảnh kim loại, dù bạn để chúng sát nhau thế nào đi chăng nữa.
Hàn lạnh xảy ra trong chân không vũ trụ là một hiệu ứng có rất nhiều ý nghĩa đối với việc chế tạo, sửa chữa tàu vũ trụ và tương lai của ngành xây dựng trong chân không.
8. Tiểu hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta là một mảnh đá không gian khổng lồ có tên là Ceres
Tiểu hành tinh Ceres – đôi khi được gọi là một hành tinh lùn – có đường kính khoảng 950 km. Cho đến nay, Ceres được biết đến là tiểu hình tinh lớn nhất trong Vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc. Một mình nó đã chiếm tới một phần ba khối lượng của vành đai. Diện tích bề mặt của Ceres xấp xỉ diện tích của Ấn Độ hoặc Argentina.
Có một tàu vũ trụ của con người đã tiếp cận và bay quanh Ceres, giúp chúng ta khám phá những bí ẩn của nó. Dawn, hay tàu Bình minh được phóng lên không gian vào năm 2007 và phải mất tới 8 năm để bay tới được Ceres.
9. Một ngày trên Sao Kim dài hơn một năm trên Trái Đất
Sao Kim có tốc độ quay quanh trục cực kỳ chậm, mất khoảng 243 ngày trên Trái Đất để nó hoàn thành hết toàn bộ một chu kỳ. Hài hước thay, một năm trên Sao Kim lại ngắn hơn chu kỳ quanh quanh trục của chính nó. Sao Kim chỉ mất 226 ngày Trái Đất để quay vòng quanh Mặt Trời.
Nếu bạn sống trên Sao Kim, bạn sẽ thấy Mặt Trời mọc sau mỗi 117 ngày Trái Đất. Điều đó có nghĩa là Mặt Trời sẽ chỉ mọc 2 lần trong năm Sao Kim. Thêm nữa, bởi Sao Kim quay theo chiều kim đồng hồ, Mặt Trời sẽ mọc ở phía tây và lặn ở phía đông.
10. Vết Đỏ Lớn của Sao Mộc đang thu hẹp
Cơn bão khổng lồ trên Sao Mộc, có thể được nhìn thấy qua kính thiên văn từ Trái Đất như một Vết Đỏ Lớn đang thu hẹp dần. Với đường kính gấp gần 11 lần Trái Đất, Sao Mộc có thể có những cơn bão nuốt chửng được ba Trái Đất trong lòng nó. Vết Đỏ Lớn từng là một cơn bão như vậy, nhưng cho tới nay, kích thước của nó đã thu hẹp xuống chỉ còn một phần ba.
11. Một trong những mặt trăng của Sao Thổ có hai tông màu riêng biệt
Iapetus, một trong 62 mặt trăng của Sao Thổ, thực sự là một thiên thể khá độc đáo. Mặt trăng này có hai tông màu rất riêng, với một bên tối hơn nhiều so với mặt kia. Đặc điểm này không hề xuất hiện trên bất kỳ mặt trăng nào khác trong Hệ Mặt Trời.
Màu sắc của Iapetus phải liên quan đến vị trí của nó so với phần còn lại của các mặt trăng của Sao Thổ. Iapetus nằm ngoài vành đai Sao Thổ và vì vậy, nó phải hứng chịu rất nhiều mảnh vụn không gian bắn tới bề mặt, làm nên màu tối ở một phía của nó.
12. Vị trí của Sao Bắc Đẩu sẽ thay đổi
Sẽ thật kỳ lạ khi Sao Bắc Đẩu không còn là Sao Bắc Đẩu nữa. Nhưng trong khoảng 13.000 năm tới, các nhà khoa học dự đoán điều này sẽ xảy ra. Trong trường hợp bạn chưa biết, trục Trái Đất đã trải qua một chuyển động gọi là “tuế sai”, nghĩa là nó sẽ dần bị nghiêng đi để vẽ ra một hình nón, giống với con quay khi sắp đổ.
Khi điều này xảy ra, vị trí thiên kiến của Sao Bắc Đẩu từ Trái Đất sẽ lệch đi, khiến nó không còn đứng yên một chỗ trên bầu trời đêm ở bán cầu bắc nữa. Khi đó, chúng ta sẽ có một Sao Bắc Đẩu mới.
Tham khảo Mashable