Những thứ cần làm sau khi mua điện thoại Android mới
Galaxy Note 10
Đây là những cái mà sau khi mua một chiếc smartphone Android mới về, hoặc mới reset máy thì mình sẽ làm ngay. Chia sẻ cho các anh em nào cần nhé. Anh em cũng comment những thứ anh em sẽ chỉnh / sẽ cài với chiếc điện thoại mới của mình nha.
Số 1: bỏ gợi ý tiếng Việt
Mình biết nhiều anh em thích dùng gợi ý tiếng Việt của bàn phím, nhưng mình thì rất ghét vì thường nó không bao giờ đoán đúng ý mình sau một thời gian xài, mà mình lại phải thường xuyên dùng Anh – Việt xen kẽ + một số từ chuyên ngành nên autocorrect toàn chỉnh sai. Dù là máy dùng GBoard hay dùng bàn phím ảo của nhà sản xuất thì mình đều tắt tính năng này đầu tiên. Tắt đi mới tiện cho những thứ khác về sau.
Số 2: kích hoạt cử chỉ vuốt, bỏ thanh điều hướng của Android
kích hoạt cử chỉ vuốt, bỏ thanh điều hướng của Android
Hiện nay tất cả mọi chiếc điện thoại Android mới đều cho phép bạn ẩn thanh điều hướng cũ kĩ chán phèo đi, chuyển sang dùng cử chỉ vuốt ngon hơn rất nhiều. Đây sẽ là thứ mình làm ngay vì nó ảnh hưởng tới mọi thao tác sử dụng điện thoại của mình. Tùy vào điện thoại của bạn thì vị trí chỉnh tính năng vuốt sẽ nằm ở các chỗ khác nhau, nhưng chung quy thì nó đều nằm trong mục Settings cả đấy.
Số 3: đồng bộ tất cả tài khoản Google vô máy
Mình có nhiều email nên sau khi thiết lập điện thoại cơ bản xong thì ngay lập tức mình tiếp tục đăng nhập thêm nhiều tài khoản Google khác vào. Mục đích của việc này không chỉ là để nhận email, mà còn để đồng bộ danh bạ và lịch xuống cho đầy đủ, chứ không thì quên mất cái lịch hẹn với ai đó thì căng lắm 😁 Mình nghĩ anh em nào dùng tài khoản Google cá nhân, rồi thêm cái email công ty nữa thì đều phải làm như mình.
Số 4: đồng bộ Chrome
Chrome có tính năng cực hay là sync dữ liệu xuyên suốt mọi thiết bị mà bạn có, từ máy tính cho đến điện thoại đến tablet. Thế nên sau khi có máy mới thì mình sẽ sync ngay bookmark, mật khẩu và nhiều loại dữ liệu khác của Chrome sang để khi cần dùng thì có xài ngay, không phải mất thời gian setup nữa. Tưởng tượng đang đi ngoài đường mà cần xử lý việc gấp thì phiền lắm.
Để sync cái này, bạn mở Chrome lên thì trình duyệt sẽ ngay lập tức hỏi bạn về việc thiết lập tài khoản. Mình khuyên tất cả anh em đều nên xài tính năng này.
Số 5: cài các app cơ bản
Tới lúc này mình mới đi cài các app cơ bản mà mình thường xài, bao gồm Facebook, Telegram, Facebook Messenger, app Tinh tế, Vietcombank, Techcombank, MoMo. Những ứng dụng khác có thể đợi, còn đám phục vụ cho công việc thì cần có mặt sớm nhất có thể. Phần này thì tùy bạn dùng app gì mà thiết lập cho tương ứng nhé, chứ mình đâu biết bạn thích xài app nào đâu 😀
Số 6: thiết lập launcher mới (nhưng giờ ít khi cần)
Với những con mà launcher của hãng đã ngon, ví dụ như mấy dòng Pixel, OnePlus, hoặc Xiaomi thì mình thường không cài thêm launcher, còn các máy khác mình cài Nova Launcher vì thích giao diện đơn giản, thích cái chấm noti của nó, và thích cả những thao tác vuốt tiện lợi của Nova. Khoảng 1 năm trở lại thì thường không cần cài launcher tùy biến nữa, do các hãng đa số đều đã làm launcher ngon lành rồi.
Số 7: Sắp xếp lại layout của màn hình chính
Sau khi đã thiết lập xong cơ bản và có đủ app để giao tiếp với loài người thì thời gian rảnh mình sẽ sắp xếp lại các icon ở màn hình chính cho tiện. Những app nào thường dùng nhất mình sẽ đem ra màn hình số 1. Ngoài ra các hãng cũng hay để app SMS vào thanh dock dưới màn hình trong khi mình lại chẳng xài SMS bao giờ, thế là Telegram sẽ thay vào chỗ đó.
Bạn cứ sắp xếp lại theo ý thích và thói quen sử dụng của bạn nhé. Cái hay của việc này đó là bạn sẽ luôn biết app của mình nằm ở đúng vị trí nào, có thể click mà không cần nhìn luôn 😀
Rồi, đó là những cái mình làm, còn bạn thì sao, hãy comment vào đây về những thứ bạn sẽ setup cho con điện thoại Android mới của mình nào.
#nguồn tinhte.vn