Trái Đất bỗng dưng quay nhanh hơn đáng kể, mỗi ngày hiện không còn đủ 24 tiếng
Phát hiện mới này khá sốc với các nhà nghiên cứu, vì trước đây, Trái Đất thường quay chậm hơn 24 tiếng một chút, nếu so thời gian một ngày thiên văn so với đồng hồ nguyên tử. Việc quay chậm hơn làm cho người ta đôi khi phải điều chỉnh giờ bằng cách cộng thêm một “giây nhuận” để làm cho thời gian thiên văn và thời gian trên đồng hồ nguyên tử khớp với nhau. Việc điều chỉnh và đồng bộ này có một vai trò quan trọng vì nó giúp các thiết bị vệ tinh đo lường hoạt động chính xác hơn. Lần cuối cùng người ta cộng thêm giây nhuận này diễn ra vào cuối năm 2016, thời điểm 23 giờ 59 phú 59 giây.
Tuy nhiên tình hình hiện tại đang diễn biến ngược với quá khứ, khi mà Trái Đất quay nhanh hơn, họ buộc phải điều chỉnh bằng cách trừ bớt giây. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa xác định được cụ thể họ sẽ bù thêm chính xác bao nhiêu và bù vào lúc nào. Sẽ cần những cuộc họp quốc tế về vấn đề này để đưa ra quyết định cụ thể.
Trước ngày 19 tháng 7 năm 2020, ngày ngắn nhất từng được ghi nhận là ngày 5 tháng 7 năm 2005, khi Trái Đất quay nhanh hơn tới 1.0516 mili giây. Việc điều chỉnh bằng giây nhuận có lợi nhưng cũng có hại. Chúng sẽ đảm bảo các quan sát thiên văn và các công cụ, vệ tinh được đồng bộ chính xác với với thời gian trên đồng hồ, tuy nhiên chúng lại có thể gây ra một số rắc rối liên quan đến các ứng dụng ghi nhận dữ liệu và các cơ sở hạ tầng viễn thông. Một số chuyên gia gợi ý rằng thay vì giây nhuận, chúng ta cứ để cho khoảng cách này tiếp tục nới rộng và sẽ bổ sung hẳn một giờ nhuận để giảm thiểu sự gián đoạn khi điều chỉnh. Cơ quan Dịch vụ Tham chiếu Hệ thống và Vòng quay Trái Đất, viết tắt là IERS, ở Paris Pháp sẽ chịu trách nhiệm cho việc xác định xem việc thêm bớt giây nhuận sẽ diễn ra như thế nào.
Việc Trái Đất quay nhanh hơn cũng đem lại nhiều thay đổi về mặt môi trường. Theo đó, đây có thể là hệ quả của việc khí hậu đang nóng dần lên, khi mà băng tan làm cho sự phân bổ khối lượng dịch chuyển, khiến hành tinh quay nhanh hơn. Trái Đất quay nhanh đồng nghĩa với việc lực li tâm sẽ làm mực nước biển dâng cao hơn, đặc biệt là những khu vực vùng cận xích đạo. Trái Đất cũng sẽ bị phình ra ở khu vực này, trong khi đó các cơn bão và hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên và mang sức tàn phá lớn hơn.
Theo Livescience, Phys.org